0

Tại sao chúng ta cảm thấy đường về gần hơn đường đi? | Safe and Sound

Nếu là người thường xuyên di chuyển, có lẽ bạn từng ít nhất 1-2 lần trải qua cảm giác lúc quay về nhanh hơn lúc khởi hành đúng không nào? Hiện tượng này càng thể hiện rõ ở những chuyến đi dài ngày hoặc có khoảng cách xa giữa điểm đi, điểm đến. Nếu câu trả lời của bạn là “không” thì có vẻ chúng ta chưa thật lòng với nhau rồi.

Nói vui vậy thôi, chứ hỏi thật “Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao lại có cảm giác này không?”, kiểu “Lạ nhỉ, rõ ràng vẫn chỉ 1 con đường mà sao khi đi thì lâu mà về lại nhanh thế?”. Hãy cùng chuyên gia tâm lý SNS tìm hiểu ngay nhé!

1. Cảm giác này có phải là một trải nghiệm hiếm gặp?

Thực ra, đây không phải là một trải nghiệm hiếm gặp. Hầu hết chúng ta đều đôi lần trải qua cảm giác này. Một nhóm nhà tâm lý học thậm chí còn đặt tên cho nó là hiệu ứng đường về (return trip effect) vì ghi nhận rất nhiều trường hợp tương tự.

Tuy nhiên, liệu đường về có thực sự được rút ngắn hay đó chỉ là "cú lừa" của não bộ?

2. Tại sao lại có hiệu ứng này?

Báo cáo của nhóm nghiên cứu tại Đại học Tilburg (Hà Lan) cho chúng ta một lý do khả thi đằng sau hiệu ứng đường về, đó là sự ước lượng chủ quan. Cụ thể, ba nhà nghiên cứu đã tiến hành ba thí nghiệm nhỏ như sau:

Ở lần đầu tiên, 69 người tham gia cùng đi một chuyến xe buýt khứ hồi; trên đường có một số điểm làm dấu. Sau khi hoàn thành, dù có người ghi nhớ và nhận ra các cột mốc, có người không, phần đông đều cho rằng đường về ngắn hơn đường đi.

Trong thí nghiệm tiếp theo, 93 sinh viên năm nhất đạp xe theo hai lộ trình khác nhau nhưng có độ dài tương đương. Một điều thú vị là những người càng nghĩ đường đi dài bao nhiêu thì khi trở về, họ càng cảm thấy mình đi nhanh bấy nhiêu.

Với thí nghiệm cuối cùng, hiệu ứng đường về xuất hiện cả khi người tham gia không trực tiếp trải nghiệm mà chỉ xem video của người khác.

Các kết quả trên góp phần loại bỏ giả thuyết đường về gần đơn thuần do chúng ta quen với cảnh vật, phương hướng - vốn là quan niệm phổ biến nhất. Đồng thời, nó củng cố góc nhìn rằng hiệu ứng xảy ra rõ nét khi bạn tính sai thời gian và quãng đường thực tế.

Ví dụ, bạn tin mình cần 60 phút để di chuyển từ điểm A sang điểm B và vì vậy, bạn thấy đường đi dài và lâu đến 60 phút. Nếu kỳ thực bạn chỉ mất 40 phút, vòng về sẽ cho bạn "rút kinh nghiệm" và cảm giác đúng hơn.

Bên cạnh đó, ở khía cạnh tâm lý, nhận thức của chúng ta về giờ giấc bị giới hạn và thường chịu ảnh hưởng bởi tâm trạng. Thời điểm xuất phát, chúng ta dễ lầm tưởng hành trình kéo dài vì lo lắng và chưa biết mình sẽ đi trong bao lâu hay đơn giản là cảm giác ngóng đợi được tới nơi đến. Trên đường quay lại, ta dự đoán được điều này và không còn cảm giác trông ngóng nữa nên phần nào thư giãn, từ đó thấy đoạn đường dễ chịu và ít xa xôi.

Quá chú ý vào thời gian cũng là một hướng giải thích. Thời gian dường như trôi chậm những lúc bạn trễ giờ và liên tục kiểm tra đồng hồ, điện thoại. Đường về ít khi gây hồi hộp như vậy nên tạo cho bạn cảm giác gần hơn.

3. Ứng dụng gì với hiệu ứng đường về?

Trái với trạng thái hào hứng trên đường về thường là sự bồn chồn ở chặng đi. Để đầu óc thoải mái, bạn có thể cố gắng giảm kỳ vọng và tập trung vào mọi thứ xung quanh mình.

Buổi sáng, bạn có thể đi làm sớm một chút để không mang áp lực trễ giờ mà chạy xe an toàn. Trên máy bay, tàu hay các phương tiện bạn khó chủ động, thay vì canh cánh nhìn đồng hồ, hãy trò chuyện với người ngồi cạnh hoặc nghỉ ngơi.

Bằng cách hiện diện ở thực tại, chúng ta có thể làm chậm nhận thức của não về thời gian và sống những ngày dài hơn, đáng tận hưởng hơn dù đi hay về.

: Tại sao chúng ta cảm thấy đường về gần hơn đường đi? | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound